[Book review] Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847–1885)

Tâm Lê
4 min readMar 13, 2018

--

“Vua đã tỏ ra quan tâm muốn biết về châu Âu và các quốc gia lớn ở châu Âu, vua hỏi tôi nước Pháp nhờ đâu mà hùng cường và phồn thịnh, tôi trả lời là những sinh lực hàng đầu của một dân tộc là quyền tự do cá nhân và những quan hệ tự do giữa các dân tộc nữa.” Trích tường thuật của giám mục Pellerin.

Source image: Nhã Nam Book

Cuốn sách này là một luận án tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi bảo vệ tại Đại học Paris năm 1982, được dịch ra tiếng Việt lần đầu năm 1990, tái bản ở Việt Nam đến nay là lần thứ tư. Tác giả đặt biệt chú trọng khai thác Việt Nam từ năm 1847–1885. Một chút trí nhớ còn sót của mình lại ở giai đoạn này ở lịch sử phổ thông là: Sự kháng cự yếu ớt và bạc nhược của triều Nguyễn trong việc kí kết các hiệp ước, đưa nước ta từ một quốc gia độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Sách hấp dẫn mình bởi nội dung khai thác tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Việt Nam dưới thời Tự đức và với góc nhìn của người ngoại quốc, ngoại đạo “Không nho giáo” mà lại là người Nhật — một trong những quốc gia thành công, dù có biến cố cùng thời.

Điều mình nhớ đến nhập tâm khi đặt “Nước Đại Nam Đối Diện Với Pháp và Trung Hoa” xuống chính là sự lưỡng lự, bất nhất của triều đình Tự Đức trong việc chọn đồng minh. Kêu gọi Trung Hoa giúp trấn áp các nhóm giặt cờ, tàn dư của Thái Bình Thiên Quốc tràn sang, nhờ đến đội quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc khi Garnier tấn công Hà Nội. Đến cuối cùng thì sao? thổ phĩ người Hoa hoành thành khắp thượng du Bắc Kỳ và Hà Nội thì vẫn rơi vào tay Pháp. Ai cũng có vẻ là đồng minh nhưng thực sự chẳng ai là đồng minh cả.

Source image: Nhat Bao

Trong sách, Y. Tsuboï đề cập đến 4 nguyên nhân khiến Tự Đức thất bại trong việc tổ chức kháng chiến, bao gồm: mất lòng dân, yếu kém về kinh tế, gánh nặng của di sản (món nợ quá khứ) và khó khăn về chính trị với một cách viết sống động, vẽ nên bức tranh với những con người cụ thể: từ vị thừa sai này, tên cướp núi cướp biển nọ, hoàng đế, tể tướng, lái buôn đến các sĩ phu và văn thân. Càng đọc, mình càng không tin đây là một cuốn sách sử mà có cảm tưởng như một cuốn tiểu thuyết bởi hình ảnh Vua Tự Đức — không phải là một ông vua hèn yếu, bạc nhược như mình vẫn thường nghĩ. Trái lại, rất cương quyết. Tiếp tế, hậu cần, cùng tất cả các chính sách và các biện pháp hỗ trợ cho tiền tuyến đều hết sức năng nổ. Cuộc chiến đấu thật sự anh hùng và sự chỉ đạo, chỉ huy của triều đình hết sức tích cực. Tự Đức ham muốn hiểu biết về thế giới phương Tây, đọc cả báo phương Tây viết bằng chữ Hán, và không phải là không mong muốn du nhập kiến thức khoa học của phương Tây về cho đất nước. Tuy nhiên Tự Đức và triều đình của ông thiếu sự mềm dẻo về hệ tư tưởng, lệ thuộc cứng nhắc vào Khổng giáo, quan lại đều mặc triều phục Trung Hoa, mở miệng là dẫn sử sách Trung Hoa, khiến Tsuboi kết luận rằng “nước Việt Nam của Tự Đức tỏ ra bảo thủ hơn các nước theo Nho giáo khác”.

Thế mới thấy rằng, sự thất bại của nước ta mang tính tất yếu bởi những con người, những hành động, quyết đinh xen giữa đó là những mưu mô, toan tính. Và đó là kết quả của chuỗi những sự kiện liên tiếp “phải là như thế” . Một nguyên nhân cốt lõi đến từ “văn hóa”.

Bài học tuy cũ nhưng mà cơ bản lắm. Không học xong thì khó mà chuyển sang được bài mới.

Người viết: M. Tâm

Bài viết có tham khảo một số tư liệu từ Goodread,tuoitrevn.

--

--